Biên soạn: Uyên Vũ
Nhắc đến nơi làm việc, có lẽ sẽ không ít người lắc đầu ngán ngẩm và nghĩ ngay về những căn phòng bê tông vuông vức với vách ngăn nối dài, những bóng đèn trần hầu như phát sáng 24/24 của các tòa nhà văn phòng. Liệu rằng đó có phải là không gian phù hợp nhất để thúc đẩy, tạo động lực cho con người sáng tạo và làm việc một cách hiệu quả?
Với nguồn cảm hứng xây dựng từ cây tre truyền thống trong văn hóa Việt Nam, Gentle House (Nhà Dịu Dàng) của kiến trúc sư Lê Lương Ngọc là một công trình đi theo lối kiến trúc thân thiện với môi trường. Đây là công trình với 2 tầng đáp ứng nhu cầu là một không gian sinh hoạt và không gian làm việc. |
Nhà Dịu Dàng, kiến trúc sư Lê Lương Ngọc đã chứng minh được việc sử dụng các vật liệu truyền thống vẫn có thể xây dựng nên một công trình không chỉ ấn tượng về thiết kế mà còn linh hoạt về công năng. Tầng 1 của Gentle House được thiết kế giống như một ngôi nhà thông thường với đầy đủ các phòng ngủ, nhà bếp, phòng sinh hoạt chung và gian thờ cúng,… Tầng 2 chính là không gian làm việc hoàn hảo để các kiến trúc sư làm việc và sáng tạo với một văn phòng và một phòng nghiên cứu tài liệu. Với không gian bao quanh đầy thoáng đãng, yên bình tựa như tọa lạc ở chốn thôn quê, hiếm ai có thể tượng tượng đây là một công trình mang đậm bản sắc dân tộc sừng sững giữa lòng Hà Nội nhộn nhịp.
Điểm đặc biệt về kiến trúc của Nhà Dịu Dàng là các cánh cửa được cấu tạo để dễ dàng điều chỉnh điểm nhìn từ trong ra ngoài và ngược lại hoặc để lấy ánh sáng. Những tấm chắn nắng di động ở tầng 2 dù ở trong trạng thái đóng hay mở đều có một tác dụng nhất định:chắn nắng, tạo không gian riêng khi đóng; đón gió, lấy ánh sáng, tạo cơ hội cho con người hòa mình với khung cảnh thiên nhiên cây cối xung quanh khi mở.
Thoạt nhìn, cả ngôi nhà tưởng chừng như được xây với một kết cấu kín, nhưng thật ra với hệ thống cửa từ thanh chớp lật, nhiệt độ bên trong ngôi nhà luôn ở mức độ dao động từ 18ºC – 29ºC. Một mức nhiệt độ hoàn hảo mà không cần đến điều hòa.
Có thể nói, Gentle House là một làn gió mới cho những thiết kế về văn phòng. Sẽ không còn những môi trường làm việc ngột ngạt, bí bức với xung quanh là những bức bê tông cao trọc trời của những văn phòng làm việc cổ điển. Những công trình thân thiện với môi trường nên được xây dựng nhiều hơn trong cộng đồng để kết nối con người với thiên nhiên và tạo không gian xanh giảm thiểu áp lực, căng thẳng trong quá trình hoạt động học tập, nghiên cứu.
Ảnh: V-Architect
Tên công trình: Gentle House
Kiến trúc sư: Lê Lương Ngọc
Tài liệu tham khảo: Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội và Tạp chí Arch+ (2018), Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng, Nhà xuất bản ARCH+, Hà Nội.