Photo by Barbora Vaštíková on Unsplash
Photo by Letizia Agosta on Unsplash
Khi đứng trước những lựa chọn mua sắm nguồn sáng để sử dụng, chúng ta sẽ thường gặp phải không ít những băn khoăn về việc đâu sẽ lựa chọn tối ưu cho căn nhà của mình. Liệu loại đèn này có ánh sáng tốt, độ bền cao và tiết kiệm điện năng? Bài viết này ít nhiều sẽ mang lại cho bạn một chút gợi ý cho quyết định của mình.
Đèn sợi đốt (đèn dây tóc)
Đèn sợi đốt được phát minh vào thế kỷ 19 với cấu trúc còn khá đơn giản thật sự đã không còn là loại đèn xa lạ với cuộc sống con người. Với loại đèn này, khi bộ phận chính là dây tóc bị đốt nóng sáng lên, ánh sáng từ đó sẽ phát ra qua một lớp bầu đèn bằng kính thủy tinh mà bên trong là các khí trơ hoặc khí Halogen. Loại đèn này trở nên phổ biến nhờ sự sản xuất ra ánh sáng ấm dễ chịu và tự nhiên như ánh nắng Mặt Trời với giá thành rất rẻ. Trong những khu vực hoặc không gian nhỏ, đèn sợi đốt vẫn sẽ phát huy tốt công dụng của mình. Đèn cũng khá dễ dàng lắp đặt cùng với đa dạng kiểu dáng, kích thước.
Tuy nhiên, hiệu suất phát quang của loại đèn này lại thấp và gây hao tốn rất nhiều năng lượng, khoảng 10–30 lm/W và tuổi thọ trung bình 1000-2000 giờ. Sau hơn 100 năm xuất hiện và được sử dụng trên thị trường, loại đèn sợi đốt khí Halogen (một loại đèn sợi đốt được cải tiến hơn kiểu đèn sợi đốt thông thường) cũng đã chính thức bị cấm nhập khẩu và sản xuất bởi Liên minh châu Âu từ 1/9/2018 do lượng năng lượng khổng lồ bị lãng phí khi sử dụng nhằm cải thiện sự hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm lượng khí thải carbon trên toàn EU. Thay vào đó, họ chú trọng hơn vào việc sử dụng và phát triển đèn LEDs.
Một số điểm khác phải kể đến khi nói về sự bất tiện của loại đèn này là ánh sáng phát ra không hiệu quả đối với những không gian rộng lớn và tuổi thọ còn kém xa so với các đèn khác. Đèn sợi đốt có ánh sáng không khuếch tán và không đều là hiển nhiên vì nó có nguồn sáng nhỏ.
Bảng dưới đây so sánh giữa các kiểu bóng đèn khác nhau được sử dụng phổ biến.
Đèn huỳnh quang (đèn tuýp, đèn ống)
Do ít tỏa nhiệt ra môi trường nên đèn huỳnh quang sẽ cho hiệu suất phát sáng cao hơn nhiều so với đèn sợi đốt và lại có tuổi thọ cao hơn vào khoảng 10000-15000 giờ. Hầu hết các bóng đèn huỳnh quang dễ dàng khuếch tán ánh sáng nên phân phối ánh sáng tốt hơn trong một khu vực cụ thể.
Hiệu quả phát sáng đặc trưng của hệ thống chiếu sáng huỳnh quang là 50-100 Lumen mỗi watt, gấp nhiều lần hiệu quả của bóng đèn sợi đốt với công suất ánh sáng tương đương, nhưng ít hơn so với bóng đèn LED thông thường. Đèn huỳnh quang cũng ít thải nhiệt hơn nhờ sự tiêu thụ năng lượng hiệu quả. Lợi điểm này ít nhiều vẫn góp phần cho việc giảm thiểu chi phí sử dụng điều hòa không khí. Những bóng đèn huỳnh quang có thiết kế đơn giản, kích thước đa dạng với ánh sáng màu còn có tác dụng trang trí, dùng cho những không gian yêu cầu tính thẩm mỹ cao.
Bên cạnh những ưu trội mình có, đèn huỳnh quang đương nhiên sẽ có giá đắt hơn so với đèn sợi đốt vì quy trình sản suất ra một bóng đèn huỳnh quang phức tạp hơn. Vấn đề về sức khỏe và môi trường cũng ngày càng được con người chú trọng, nhưng loại đèn huỳnh quang lại có nguy cơ rò rỉ các chất độc hại với môi trường và sức khỏe người dùng chẳng hạn như thủy ngân khi đèn bị vỡ. Sau một thời gian sử dụng, đèn dễ có hiện tượng bị nhấp nháy. Điều này về lâu dài sẽ gây hại đến thị lực. Thông qua nhiều phản hồi của người dùng, những âm thanh vo vo xuất hiện ở một số đèn huỳnh quang khi mở tuy không quá lớn nhưng lại gây ra cảm giác khó chịu cho người dùng nếu không quen.
Riêng về bộ đèn huỳnh quang dạng tuýp sẽ cần có thêm các bộ phận khác nhau như tăng phô (chấn lưu), starter (con chuột), nên việc lắp đặt thi công cho loại đèn này cũng sẽ có phần phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức hơn so với khi ta lắp đặt một bộ đèn LED tuýp. Với đèn LED tuýp, việc lắp đặt chỉ đơn giản là cấp nguồn đầu vào mà không cần có quá nhiều dây nhợ lẫn lộn.
Nếu đem ra so sánh, mua và sử dụng đèn huỳnh quang sẽ tiết kiệm hơn đèn dây tóc. Tuy nhiên, những yếu nhược và giới hạn của đèn huỳnh quang lại càng nhiều hơn khi so với công nghệ đèn tiên tiến LED hiện nay.
Đèn LED (viết tắt của Light-emitting diode)
Photo by Francesca Tosolini on Unsplash
Photo by Dollar Gill on Unsplash
Đèn công nghệ LED tạo ra ánh sáng bằng cách sử dụng một hoặc nhiều điốt phát quang và hiện nay đã có mặt trong nhiều ứng dụng đa dạng: trong giao thông, chiếu sáng và trang trí trong các dự án, trong ứng dụng y học, nông nghiệp,…
Đây là loại đèn cải tiến nhất cho đến nay và có những ưu điểm được coi là vượt trội hơn các kiểu đèn truyền thống. Không thể phủ nhận đây là loại đèn tiết kiệm năng lượng nhất vì lượng điện tiêu thụ chỉ khoảng 10–25% điện tiêu thụ bởi một bóng đèn sợi đốt. Tuổi thọ đèn khá cao, khoảng 50000 giờ và có thể hơn nếu được thiết kế đúng bài bản. Thời gian khởi động đèn rất nhanh và có thể tính bằng nano giây, đèn đã đạt đến mức sáng chuẩn ngay khi ta bấm nút.
Về kích thước và kiểu dáng, đèn LED không bị giới hạn bởi một kiểu bóng tuýp hay bóng bulb nhất định mà luôn có đa dạng kiểu dáng từ âm trần đến ốp nổi, từ tròn đến vuông. Đèn LED có loại kích thước rất nhỏ, thậm chí chỉ tính bằng mm đem lại khả năng dùng cho các biển quảng cáo, rãnh cầu thang,.. Màu ánh sáng của đèn công nghệ LED có thể đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt của con người: từ màu ánh sáng vàng ấm nhẹ nhàng đến ánh sáng trung tính tự nhiên và ánh sáng trắng ban ngày.
Không giống với hai loại đèn nói trên tương đối dễ vỡ, đèn LED có thành phần ở trạng thái rắn nên rất khó bị hư hại và khả năng chống sốc cao. Với loại đèn này, người dùng có thể dễ dàng điều chỉnh độ sáng và màu sắc ánh sáng. Một điều đáng chú ý khác, đây cũng được xem là loại đèn thân thiện với môi trường vì thành phần không chứa thủy ngân hay các chất độc hại khác.
Dù là loại đèn cải tiến với nhiều điểm cộng là thế, nhưng công nghệ LED vẫn gặp phải một số bất cập nhất định khi đưa vào sử dụng.
Có một mối lo ngại khi lượng ánh sáng xanh từ các bóng đèn LED xanh và sáng trắng vượt quá mức an toàn cho thị lực. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hiện tượng xảy ra ở một số đèn có thông số ánh sáng cao. Ngoài ra, giá khởi điểm cho loại đèn này khá đắt, nhưng về lâu dài, đây có thể là một sự đầu tư công nghệ xứng đáng và thông minh. Và theo như dự kiến, thị trường đèn LED sẽ tăng gấp 4 lần trong thập kỷ tới. Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều hãng sản xuất đèn LED phổ biến từ Philips, Panasonic, MPE, Rạng Đông, Điện Quang,… cùng với các mức giá khác nhau cho khách hàng lựa chọn.
Vậy loại đèn nào bạn nghĩ sẽ thích hợp nhất cho ngôi nhà thân thương của mình?