Photo by Yung Chang on Unsplash
Tính đến năm 2021, sự kiện Giờ Trái Đất (Earth Hour) đã trải qua được 14 năm tổ chức, bắt đầu từ năm 2007 tại Sydney, Úc. Nhưng đến nay, vẫn còn có những ý kiến cho rằng thực hiện Giờ Trái Đất là chỉ để tiết kiệm năng lượng. Sẽ thật đáng tiếc nếu nhiều người trở nên thờ ơ với các hoạt động vì môi trường như thế này vì dường như mỗi ngày Trái Đất của chúng ta đều đang gửi đến những lời “cầu cứu” đến não lòng. Phải chăng, bảo vệ môi trường cũng nên là một hành động thân thuộc với chúng ta giống như việc chúng ta phải ăn uống, ngủ nghỉ hằng ngày?
“Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30 (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm).” – theo Wikipedia.
Sau khi logo biểu trưng cho giờ Trái Đất được thay đổi thành 60+, điều này cũng có nghĩa một giờ tắt điện là không đủ, mà chúng ta cũng nên nhớ để tiết kiệm điện mỗi khi có thể. Và dĩ nhiên, chúng ta có thể làm điều đó để lên tiếng vì thiên nhiên.
Vậy mục đích của Giờ Trái Đất là gì?
Đúng! Thực hiện Giờ Trái Đất có thể tiết kiệm điện, nhưng nó không phải được tạo ra để tiết kiệm điện. Giờ Trái đất là một hành động mang tính biểu tượng được thực hiện bởi các cá nhân và cộng đồng nhằm truyền cảm hứng cho hành động nhiều hơn đối với biến đổi khí hậu và giúp bảo vệ hành tinh, làm giảm lượng khí thải carbon dioxide, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính,… Giờ Trái đất thúc đẩy mọi người nhìn xa hơn và đã trở thành chất xúc tác chính để tác động tích cực đến môi trường.
Photo by Julia Peretiatko on Unsplash
Tính đến năm 2010, hoạt động này đã được hưởng ứng bởi 126 quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam nói riêng cũng đã tích cực tham gia Giờ Trái Đất (từ năm 2009) và tiết kiệm được 400.000 kWh tương đương 500 triệu đồng (2011). Trên thế giới cũng có những con số khác đầy ấn tượng với vài chục tấn CO2 được giảm thiểu chỉ trong vòng một giờ thực hiện Earth Hour.
Vì sao việc quan tâm đến môi trường là một vấn đề cấp bách hiện nay?
Photo by Matt Howard on Unsplash
Photo by Michael Held on Unsplash
Dịch bệnh hoành hành, những “biển lửa” tàn khốc xuất hiện thường xuyên phải chăng vẫn chưa thể khiến con người nhìn nhận kỹ hơn về tình trạng tồi tệ mà thiên nhiên, môi trường, thậm chí là chính con người đang gặp phải?
Những vụ cháy rừng trên diện rộng ở Úc, Mỹ mới đây xảy ra với qui mô lớn hơn và sức lan rộng nhanh chưa từng thấy cũng là một hậu quả của việc Trái Đất đang dần nóng lên. Gần đây nhất là cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại đến hàng chục ngàn ha rừng (ước tính gần 95.000 ha) và cả về tính mạng con người. Đồng thời, đây cũng được nhận định là đợt cháy rừng tàn khốc nhất tính đến nay của đất nước này. Tuy nguyên nhân dẫn đến vụ cháy chưa được xác định nhưng vẫn không thể loại bỏ yếu tố tự nhiên.
Để hưởng ứng thông điệp Giờ Trái Đất thật sự muốn mang đến, những hành động của chúng ta tuy nhỏ nhưng có thể góp phần chữa lành cho thiên nhiên “Mother nature”. Dẫu có vẻ như chúng ta không thể làm những điều lớn lao để giải cứu thế giới, nhưng, chúng ta lại có thể làm điều đó thông qua việc dừng những hành động hằng ngày tưởng chừng như vô hại.
Giảm thiểu lãng phí năng lượng bằng cách tắt bớt các thiết bị đèn điện, vật dụng điện khi thật sự không cần dùng đến, hạn chế mở cửa tủ lạnh và thời gian mở tủ. Đối với máy lạnh, nên cài đặt mức nhiệt độ hợp lý,…
Sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường như xe buýt, xe đạp khi bạn có thể.
Tập cách nói “KHÔNG” với đồ nhựa dùng một lần và túi nilon. Thay vào đó, hãy thử trang bị cho mình một vài chiếc túi vải để thay đổi khi đi mua sắm, đi chợ. Khi cần phải sử dụng túi nilon, chai nhựa, nên cân nhắc tái sử dụng cho các lần đựng đồ tiếp theo trước khi thải chúng ra ngoài môi trường vì các chất liệu độc hại này rất khó phân hủy và có tác động tiêu cực rất lớn đến hệ sinh thái. Đồng thời, khi bạn sử dụng các vật dụng cá nhân thay vì sử dụng các chất liệu nhựa có sẵn tại các cửa hàng, siêu thị,… chắc chắn bạn sẽ dần cảm thấy sự tiện nghi, an toàn vệ sinh mà chúng mang lại.
Nhựa làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật biển
Photo by Naja Bertolt Jensen on Unsplash
Và tại sao chúng ta lại không thử tái chế những vật dụng bỏ đi hoặc rác thải? Đồ ăn thừa cũng có thể trở thành chất phân bón bổ dưỡng cho khu vườn xinh xắn của bạn. Những chai nhựa cũng có thể làm nên cả một công trình cơ mà!
Bên cạnh đó, nếu như có điều kiện, việc hướng đến thời trang sinh thái thân thiện với thiên nhiên và các sản phẩm thuận tự nhiên là một điều đáng cân nhắc. Không lạ gì khi nền công nghiệp thời trang có chỉ số gây ô nhiễm môi trường đứng thứ hai chỉ sau nền công nghiệp hóa dầu. Tuy nhiên, thời trang ăn liền giá rẻ với một thời trang bền vững chắc chắn sẽ có những điểm ưu nhược riêng. Điều quan trọng là thay đổi nằm ở mỗi quyết định của chúng ta.
Photo by Cherie Birkner on Unsplash
Photo by Francois Le Nguyen on Unsplash
Chúng ta đều hy vọng rằng những năm sắp tới là cơ hội vàng để hành động vì toàn cầu, vì tương lai của chúng ta trong nhiều thập kỷ. Đại dịch đã cho thấy rằng sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào hành tinh này, nên chúng ta không còn có thể bỏ qua việc bảo vệ môi trường như một lựa chọn thực dụng nữa. Giờ Trái Đất nói riêng và các hoạt động lên tiếng vì thiên nhiên nói chung là cơ hội để chúng ta xích lại gần nhau và tạo nên sự khác biệt.