Ảnh: KAL VISUALS on Unsplash
Ánh sáng trong điện ảnh là gì?
Ánh sáng là thành tố vô cùng quan trọng trong quay phim, và cũng như các lĩnh vực khác thuộc điện ảnh. Ánh sáng điện ảnh là một kỹ thuật chiếu sáng phim vượt ra ngoài việc thiết lập kỹ thuật sáng ba điểm, để thêm phần kịch tính, chiều sâu và mang đến không khí phù hợp cho câu chuyện. Ánh sáng điện ảnh sử dụng các thủ thuật ánh sáng tản (diffusing light), điều chỉnh nhiệt độ màu (color temperatures),…
Tại sao ánh sáng lại quan trọng?
Trong phim ảnh, ánh sáng là một công cụ nền tảng góp phần thể hiện tâm trạng của nhân vật, tạo chiều sâu và làm nên những bầu không khí cụ thể cho từng thước phim. Cho dù đó là ở công đoạn sắp xếp phim trường hay thiết kế, lên kế hoạch cho từng chuyển động của diễn viên, mỗi bước của quá trình làm phim đều ảnh hưởng đến việc thiết lập ánh sáng và ngược lại.
Ánh sáng trong phim cho khán giả biết điểm cần tập trung ánh nhìn. Thiết lập ánh sáng làm cho khán giả hướng mắt đến một diễn viên, vật dụng hoặc một phần cụ thể của một cảnh phim.
Ánh sáng trong phim phản ánh tâm lý của các nhân vật. Kích thước chùm sáng, màu sắc và cường độ của ánh sáng xung quanh nhân vật có thể được điều chỉnh để phù hợp với cảm xúc của diễn viên.
Ánh sáng định hình và hỗ trợ thể hiện thể loại của bộ phim vì ánh sáng là công cụ truyền tải tâm trạng rõ ràng nhất. Ví dụ, một trong những thể loại phim được biết đến nhiều nhất với phong cách ánh sáng riêng biệt là phim noir (phim đen) đặc trưng bởi sự tương phản rõ rệt giữa ánh sáng và bóng tối, khung hình và bố cục độc đáo.
Ai là người thiết lập ánh sáng cho một cảnh quay?
Ảnh: Jakob Owens on Unsplash
Đạo diễn: chia sẻ các ý tưởng visual và ý tưởng cho ánh sáng cho phim.
Đạo diễn hình ảnh (director of photography / cinematographer): tạo ra kế hoạch về giao diện, màu sắc, ánh sáng và tạo khung hình cho từng cảnh quay theo các yêu cầu từ đạo diễn.
Giám đốc kỹ thuật chiếu sáng (gaffer): thiết kế và thực hiện kế hoạch chiếu sáng của đạo diễn hình ảnh.
Ảnh: KAL VISUALS on Unsplash
Có nhiều cách để bố trí ánh sáng. Một cảnh phim có thể kết hợp bố trí các kiểu nguồn sáng khác nhau. Mỗi cách chiếu sáng sẽ đem lại một cảm xúc và ấn tượng riêng cho từng khung hình.
12 kỹ thuật chiếu sáng cơ bản được sử dụng trong làm phim:
Key lighting (sử dụng nguồn sáng chính): là nguồn sáng chính và mạnh nhất trong một cảnh hoặc cung cấp phần lớn lượng ánh sáng chiếu lên chủ thể.
Fill lighting (sử dụng nguồn sáng phụ): nguồn sáng phụ giúp chiếu sáng bóng đổ được tạo ra bởi nguồn sáng chính. Nguồn sáng phụ thường được đặt đối diện với nguồn sáng chính, thường không mạnh bằng nguồn sáng chính. Nhiệm vụ của Fill Light là đảm bảo phần bóng của chủ thể do nguồn sáng chính tạo ra không quá tối.
Back lighting (sử dụng nguồn sáng ngược): sử dụng nguồn sáng đặt phía sau diễn viên để tạo ra các vầng hào quang xung quanh người diễn giúp phân biệt diễn viên với phần nền background đằng sau họ.
Side lighting (sử dụng nguồn sáng bên): nguồn sáng này chiếu sáng diễn viên từ bên hông và tập trung vào các đường nét của khuôn mặt của họ, cho ra một hiệu ứng ấn tượng, có độ tương phản cao.
Ảnh: Jakob Owens on Unsplash
Ảnh: Hennie Stander on Unsplash
Practical lighting (sử dụng nguồn sáng thực tế): nguồn sáng thực tế là các nguồn sáng có thể nhìn thấy trong cảnh phim như các loại đèn chiếu sáng, nến,… Chúng thường không đủ mạnh để thắp sáng toàn bộ cảnh phim hay chủ thể, nhưng chúng thêm vào bầu không khí chân thực cho điện ảnh.
Hard lighting (sử dụng nguồn sáng cứng): là một nguồn sáng tạo bóng đổ có đường nét rõ rệt, thu hút sự chú ý đến một diễn viên cụ thể hoặc một phần của một cảnh.
Soft lighting (sử dụng nguồn sáng mềm): là một nguồn sáng tạo ra ít hoặc không có bóng đổ rõ rệt. Ánh sáng kiểu này sẽ cho bóng mịn, nhẹ. Việc ánh sáng phát ra từ một nguồn sáng cứng hay mềm phụ thuộc vào kích cỡ của nguồn sáng đó so với chủ thể.
High-key lighting: là một kiểu ánh sáng cho hình ảnh sáng và không có bóng đổ bằng việc sử dụng rất nhiều nguồn sáng phụ, cường độ sáng cao. Bạn thường sẽ thấy loại ánh sáng này trong một bộ phim sitcom truyền hình, video âm nhạc hay quảng cáo.
Low-key lighting: bao phủ bởi bóng tối nhiều hơn là ánh sáng. Nguồn sáng phụ rất nhẹ hoặc hoàn toàn không có để tạo cảm giác bí ẩn hoặc hồi hộp.
Natural lighting (sử dụng ánh sáng tự nhiên): sử dụng ánh sáng có sẵn tại vị trí quay như ánh sáng mặt trời, đèn đường, các biển hiệu neon,…
Ảnh: Julian Silverman on Unsplash
Ảnh: Jakob Owens on Unsplash
Motivated lighting: nguồn sáng sử dụng để mô phỏng lại một nguồn sáng tự nhiên hoặc nguồn sáng thực tế xuất hiện trong khung hình, như mặt trời hoặc mặt trăng khi những nguồn này không đủ độ sáng để chiếu sáng chủ thể.
Bounce lighting (sử dụng ánh sáng phản chiếu): là một kỹ thuật chiếu sáng từ một nguồn mạnh về phía diễn viên với một sự phản chiếu ánh sáng, làm mềm và lan truyền ánh sáng. Ánh sáng phản chiếu có thể được sử dụng ở nhiều vai trò, như nguồn sáng chính, nguồn sáng phụ, nguồn sáng ngược, hay thậm chí chiếu sáng vật thể ở phía sau.